chi tiết bài viết - new - Sở Tài chính

Kế hoạch Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2025

Ngày đăng: 29-12-2024

Ngày 25/12/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2025.

Kế hoạch chia thành 02 phần:

Phần I: Đánh giá kết quả thực hiện năm 2024

Đánh giá kết quả đạt được về 07 nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024:  (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số tại địa phương (2) Hạ tầng số (3) Công tác bồi dưỡng, phát triển nhân lực (4) Dữ liệu số (5) An toàn thông tin mạng (6) Chính quyền số (7) Kinh tế số và xã hội số

Phần II: Nội dung Kế hoạch năm 2025

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm:

1. Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động

100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hồ sơ trực tuyến toàn trình của các dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 60%.

Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thông qua định danh điện tử VNeID đạt 100%.

90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

60% các sở, ban, ngành có hệ thống thông tin/ cơ sở dữ liệu kết nối, chia sẻ hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; tiếp tục kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính quyền số.

Tỷ lệ phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước đạt 100%, tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của các cơ quan nhà nước đạt 100%.

2. Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP; thúc đẩy ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán các loại phí, lệ phí và hoạt động kinh doanh, mua sắm trong cộng đồng.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại đạt trên 80%.

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.

80% cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để chống thất thu thuế, thất thu ngân sách.

3. Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; tiếp tục phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.

100% các thôn, bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng.

Tỷ lệ triển khai học bạ số đối với học sinh và bảng điểm số đối với sinh viên đạt 100%.

Tỷ lệ các cơ sở giáo dục công lập trên toàn tỉnh triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 100%.

Tỷ lệ các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID đạt 100%.

Nội dung của Kế hoạch gồm 08 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số tại địa phương (2) Hạ tầng số (3) Công tác bồi dưỡng, phát triển nhân lực (4) Dữ liệu số (5) An toàn thông tin mạng (6) Chính quyền số (7) Kinh tế số và xã hội số (8) Nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông và các giải pháp khác đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin.

Để triển khai thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh đề ra 06 giải pháp sau:

1. Phát huy, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành chuyển đổi số

Kiện toàn Ban chỉ đạo Chuyển đổi số; gắn kết với cải cách hành chính; ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động, kiểm tra, đánh giá chỉ đạo của Ban chỉ đạo.

2. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức

Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chuyển đổi số trên chuyên trang chuyển đổi số của tỉnh; trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và cổng con thành phần của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; trên Báo Quảng Trị và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; trên các hệ thống truyền thanh cơ sở. Chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình về chuyển đổi số.

Tổ chức các khóa đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản và chuyên sâu về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tổ chức các khoá học, trao đổi về chuyển đổi số với doanh nghiệp, trước hết là những người đứng đầu của doanh nghiệp.

Tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp cùng tham gia góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại.

3. Phát triển, thu hút nguồn nhân lực chuyển đổi số

Tận dụng, huy động mọi nguồn vốn nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ thúc đẩy chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước nhằm duy trì và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử/ Chính quyền số.

4. Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ

Triển khai thí điểm việc tích hợp dữ liệu IoT trên một số dữ liệu hiện có của tỉnh. Xây dựng nền tảng khai thác dữ liệu trong Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh với các phương pháp học máy, khai phá dữ liệu ứng dụng trong đô thị thông minh. Thực hiện việc đảm bảo các yêu cầu chung về kết nối các dịch vụ số hóa với các ứng dụng tại đơn vị và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; thực hiện lưu trữ tài liệu được số hóa, làm hồ sơ gốc phục vụ cho việc quản lý, khai thác tài liệu điện tử...

5. Đảo bảo nguồn lực tài chính

Nguồn vốn thực hiện: Ngân sách Trung ương (bao gồm: vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn bố trí thực hiện các Chương trình mục tiêu về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025, vốn do các Sở, ban ngành và địa phương chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương thông qua các chương trình, dự án hoặc xin hỗ trợ kinh phí triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo đặc thù của ngành.…), ngân sách địa phương, vốn viện trợ quốc tế, vốn huy động xã hội, cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế

Tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức/ tham gia các hội thảo, đào tạo về chuyển đổi số và định hướng xây dựng chính phủ số/ chính quyền số với các nước tiên tiến trên thế giới.

Các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ mới, mô hình mới.

Chi tiết Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 25/12/2024 của UBND tỉnh (Tải về tại đây).

Nguyễn Thị Thanh Huệ

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 8

  • Hôm nay 20854

  • Tổng cộng 785.068

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH QUẢNG TRỊ

Địa chỉ: 250 Hùng Vương – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Email: sotc@quangtri.gov.vn
Điện thoại: 0233.3852.130
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Lê Thị Thanh - Giám đốc Sở Tài Chính Quảng Trị
Đường dây nóng thông báo các sự cố ATTT: 0233.3852.130
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ