chi tiết bài viết - new - Sở Tài chính

Những điểm mới của Luật Thanh tra số 11/QH15 ngày 14/11/2022 so với Luật Thanh tra năm 2010

Ngày đăng: 31-03-2023

Luật Thanh tra được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 14/11/2022 và có hiệu lực ngày 01/7/2023. Luật Thanh tra sửa đổi năm 2022 nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Thanh tra năm 2010 và cụ thể hoá Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, yêu cầu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Kiểm toán nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chỉ rõ nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành, của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đặc biệt, hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với ngành Thanh tra phải thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Luật Thanh tra năm 2022 bao gồm 118 điều, 8 chương (tăng 40 điều, 1 chương so với Luật Thanh tra năm 2010 (gồm 78 điều, 7 chương), bao gồm chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 8); chương 2: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (từ Điều 9 đến Điều 37); chương 3: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (từ Điều 38 đến Điều 43); Chương 4: Hoạt động thanh tra (từ Điều 44 đến Điều 101); Chương 5: Thực hiện kết luận thanh tra (từ Điều 102 đến Điều 107); Chương 6: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (từ Điều 107 đến Điều 111); Chương 7: Điều kiện đảm bảo hoạt động thanh tra (từ Điều 112 đến 113); Chương 8: Điều khoản thi hành (từ Điều 114 đến Điều 118).

Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều quy định mới, khắc phục được những vướng mắc, khó khăn, lỗ hổng của Luật Thanh tra năm 2010, cụ thể có một số điểm mới như sau:

1. Tăng 01 Chương và 40 Điều so với Luật Thanh tra 2010

Cụ thể, Luật Thanh tra 2022 có tất cả 8 Chương và 118 Điều luật như sau:

- Chương I: Những quy định chung

- Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra

- Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành

- Chương IV: Hoạt động thanh tra

- Chương V: Thực hiện kết luận thanh tra

- Chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra

- Chương VII: Điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra

- Chương VIII: Điều khoản thi hành

Đối với Luật Thanh tra 2010 gồm 07 Chương và 78 Điều luật như sau:

- Chương I: Những quy định chung

- Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

- Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra

- Chương IV: Hoạt động thanh tra

- Chương V:  Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước

- Chương VI: Thanh tra nhân dân

- Chương VII: Điều khoản thi hành

2. Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành (Điểm mới)

Đây được xem là điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra 2022.

Theo Điều 18 Luật Thanh tra 2022, Thanh tra Tổng cục, Cục là cơ quan của Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước mà Tổng cục, Cục được phân cấp quản lý; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập trong 03 trường hợp sau đây:

- Theo quy định của luật;

- Theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

3. UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở

Cụ thể tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022, thanh tra sở được thành lập trong các trường hợp sau đây:

- Theo quy định của luật;

- Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;

- Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Còn đối với quy định hiện hành, thì  thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.

Như vậy, UBND cấp tỉnh đã được giao quyền chủ động thành lập thanh tra sở (trước đây thực hiện theo sự ủy quyền) nhưng việc thành lập phải căn cứ theo luật định.

4. Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra tại Luật Thanh tra 2022

Theo khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra 2022, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Tại Luật Thanh tra 2010, chưa có quy định cụ thể về thời gian ban hành kết luận thanh tra mà chỉ nêu thời hạn công khai kết luận thanh tra trong 10 ngày (Điều 39 Luật Thanh tra 2010).

Việc quy định rõ thời gian ban hành kết luật thanh tra sẽ khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần loại bỏ tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

5. Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra

Cụ thể tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên bao gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn chung được quy định tại 32 Luật Thanh tra 2010 mà còn tuân theo các Điều 6, 7 và 8 Nghị định 97/2011/NĐ-CP tương ứng với từng ngạch.

Đối với Luật Thanh tra 2022, tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên chính là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39) và các ngạch còn lại (thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp) sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn riêng (Điều 40 và Điều 41).

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra 2022 cũng đã bỏ quy định cộng tác viên thanh tra.

(Nội dung về cộng tác viên thanh tra được định tại Điều 35 Luật Thanh tra 2010)

6. Quy định mới về các trường hợp miễn nhiệm Thanh tra viên

Theo khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra 2022, việc miễn nhiệm Thanh tra viên được thực hiện trong trường hợp sau đây:

- Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành;

- Vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

- Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra 2022;

- Không hoàn thành nhiệm vụ 01 năm ở ngạch được bổ nhiệm;

- Người được bổ nhiệm vào ngạch có hành vi gian lận trong kỳ thi nâng ngạch hoặc kê khai không trung thực trong hồ sơ bổ nhiệm vào ngạch;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Như vậy, các trường hợp trên được luật hóa trên cơ sở đã có nội dung quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 97/2011/NĐ-CP và cũng có sự thay đổi về quy định liên quan.

Điều 15. Miễn nhiệm đối với thanh tra viên

1. Miễn nhiệm đối với thanh tra viên một trong các trường hợp sau:

a) Do điều động, luân chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác không phải là cơ quan thanh tra nhà nước;

b) Khi chuyển đổi vị trí việc làm và theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức phải chuyển sang ngạch công chức, viên chức khác để phù hợp với vị trí việc làm mới;

c) Tự nguyện xin thôi không làm việc ở các cơ quan thanh tra nhà nước và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thôi việc;

d) Có quyết định thôi việc hoặc bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc theo quy định của pháp luật;

đ) Bị tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc tước quân hàm sỹ quan Quân đội nhân dân;

e) Bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật;

g) Vì lý do khác theo quy định của pháp luật.

7. Bổ sung các điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước

* Thêm nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra

Hiện hành, kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thanh tra chỉ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc quản lý, cấp và sử dụng ngân sách của cơ quan thanh tra nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Theo Điều 112 Luật Thanh tra 2022, ngoài nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

* Đầu tư hiện đại hóa hoạt động thanh tra theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin

Cụ thể tại Điều 113 Luật Thanh tra 2022, bên cạnh các chính sách đầu tư, phát triển khoa học công nghệ và các phương tiện khác, Nhà nước sẽ tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thanh tra; xây dựng chuẩn mực thanh tra để bảo đảm cho hoạt động thanh tra chất lượng, hiệu quả, khả thi, đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Đối với các cơ quan thanh tra thuộc Bộ, thuộc UBND tỉnh thì Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để tăng cường hoạt động thanh tra và thúc đẩy hoạt động thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

8. Phải có sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (Điểm mới)

Tại Chương VI Luật Thanh tra 2022, đã có sự quy định về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra.

Cụ thể, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước và cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý nhà nước.

Điểm mới này giúp xử lý các trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra.

9. Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

Việc giám sát hoạt động động của Đoàn thanh tra đã được quy định tại Điều 98 Luật Thanh tra 2022 với nội dung như sau:

(1) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.

(2) Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo.

(3) Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.

Các nội dung trên được luật hóa dựa trên cơ sở của nội dung tại Điều 30 Thông tư 06/2021/TT-TTCP nhưng đã giảm đi 01 nội dung giám sát (hiện hành là 04 nội dung)

10. Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra (Điểm mới)

Tại Luật Thanh tra 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều luật liên quan.

Theo đó, thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban thanh tra nhân dân.

Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng đến Luật Thanh tra 2022, các quy định của thanh tra nhân dân đã không còn trong luật.

Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023./.

Thanh tra Sở Tài chính

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online 2

  • Hôm nay 695

  • Tổng cộng 608.407

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH QUẢNG TRỊ

Địa chỉ: 250 Hùng Vương – Thành phố Đông Hà – Tỉnh Quảng Trị
Email: sotc@quangtri.gov.vn
Điện thoại: 0233.3852.130
Chịu trách nhiệm nội dung: Bà Lê Thị Thanh - Giám đốc Sở Tài Chính Quảng Trị
Đường dây nóng thông báo các sự cố ATTT: 0233.3852.130
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ